Vách ngăn là một bộ phận không thể thiếu cấu thành nên không gian kiến trúc, nó cũng là “công cụ” đánh dấu không gian chung - riêng...
Ở Việt Nam, vách ngăn được sử dụng tương đối nhiều với nhiều loại vật liệu khác nhau, từ những vật liệu xây dựng cổ xưa nhất là tre, nứa đến những vật liệu hiện đại như composit, nhôm, kính... Vách ngăn có nhiều loại như
vách ngăn di động, vách ngăn kính hay vách ngăn cứng và mềm, chống nước, vách ngăn đóng và mở như là bình phong tạo không gian e ấp, vách ngăn kính bao che bảo vệ nhưng không chia cắt không gian và mang tính ước lệ... Trong nhà ở, vách ngăn đóng một vai trò quyết định tạo nên không gian mở rộng và phong cách riêng cho gia chủ.
Sẽ không là lý tưởng nếu vách ngăn chỉ thực hiện một chức năng ngăn chia không gian mà bỏ qua hàng loạt các chức năng sống khác như: trang trí, an toàn...
Thực tế, không có nhiều loại vách ngăn thay thế được một cách hoàn toàn các đặc tính của vật liệu gạch truyền thống. Xét về đặc tính lý hóa, gạch nung truyền thống là loại vật liệu có giá thành rẻ, dễ thi công, dễ trang trí và có độ bền vững với môi trường nóng ẩm cao, độ cứng lớn và dễ dàng cho việc trang trí, tạo hình theo kiến trúc.
Với các vật liệu còn lại như các loại gạch không nung, vật liệu 3D, tuy có độ bền lý hóa có thể tương đương, nhưng tương đối phức tạp về mặt thi công, đòi hỏi thiết bị và công nhân lành nghề, khả năng phổ biến cung cấp vật liệu công nghệ còn ít, khả năng gia công tạo hình có kém hơn và độ cứng thấp hơn ảnh hưởng nhiều đến khả năng trang trí như treo, gắn các thiết bị lên vách.
Với các loại vật liệu thạch cao, vách gỗ, composite... việc tạo hình là rất tốt, phù hợp với việc trang trí nội thất do có thể uốn cong, sóng lượn, nhưng độ bền cơ lý hóa thấp, khả năng chịu tác động của môi trường không cao, đòi hỏi người sử dụng phải biết giữ gìn, tuổi thọ của kết cấu kém.
Với vật liệu ngăn chia bằng kính có ưu điểm về độ sáng bóng, độ trong suốt cao, rất thích hợp cho các loại vách ngăn chia, nhưng cũng không thể thay thế 100% vách trong một không gian sống mà gần như chỉ sử dụng cho vách mặt tiền công trình và một số những mảng ngăn chia nhẹ giữa hai không gian liền kề.
Không gian sinh hoạt chung hoặc phòng khách là không gian dành cho tất cả mọi người nên sử dụng vách ngăn di động. Bếp là khu vực tạo ra mùi thức ăn rất khó chịu khi sử dụng không gian mở thông với các không gian chức năng khác trong căn hộ. Mặt khác, với người Á đông phòng ăn và bếp luôn kín đáo với các chủ thể bên ngoài như là phòng khách. Nếu sử dụng vách ngăn cứng và đóng sẽ tạo cảm giác chật chội thêm cho căn hộ vốn dĩ đã không rộng rãi.
Ngoài những chức năng sử dụng đã nêu, vách ngăn còn giảm tải cho kết cấu công trình, bản thân nó còn mang trong mình những yếu tố của văn hoá nữa.